2 tháng 5, 2013

Nghị định 71/2012/NĐ-CP, có gì mà phải "xoắn" ?

Một bài viết hay trong khi trên Internet đầy những thông tin trái chiều xoay quanh về Nghị Định 71/2012/NĐ-CP. BBT đăng tải cho quí vị tham khảo...

Mấy ngày nay, dư luận trên Net lại xoắn tít lên về việc nghị định 71/2012/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Lướt oép mà có cảm tưởng như nghe được cả tiếng đá ném rào rào trên các diễn đàn, mạng xã hội, lều báo... Thiệt tình, vụ em "thánh nữ dân chủ" còn chưa kịp lắng, thế giới ảo lại dậy phong ba. Mà nghe đâu vụ này to, to lắm vì đụng đến ví tiền, đến khả năng đi lại của bà con. Cả xã hội như bị cuốn vào một mớ bòng bong: xe anh, xe tôi, xe cô, xe ả,...

Nói thật lòng thì tớ là tớ đã mất lòng tin vào cái dư luận kiểu "bầy đàn" này lắm rồi. Cái xã hội toàn những giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ và sinh viên (gói lại cho vuông là "thầy nhiều hơn thợ"), nhất là trên cái mạng nhện in tờ nét này, mà cứ hồn nhiên tiếp thụ thông tin một cách hoang dã như người nguyên thủy, chẳng cần "sơ chế, trung chế, cao chế" gì cả, cứ tọng cả vào hộp sọ rồi bù lu bù loa ra đằng mồm. Mười thằng kêu than thì hết chín thằng rưỡi chẳng biết mặt ngang mũi dọc của cái Nghị định chết tiệt đó như thế nào, chỉ biết rằng "người ta nói nó tệ hại thế đó, khốn nạn thế kia,...". Bởi vậy, với tinh thần "ngứa đâu gãi đó" của mình, tớ đành hy sinh bớt một giấc mơ ngọt ngào để dành thời gian ngâm cứu phục vụ bạn đọc trước khi các vị "nhơn sĩ" nước nhà nổi hứng, đại diện "dân nghèo", làm một cái đơn kiến nghị lên chủ tịch nước nữa thì lại càng thêm rối băng.

Trước tiên phải chặn họng mấy chú "yêu nước Mỹ" cái đã (cho theo kịp "xu hướng phản biện"). Dưới đây là ý kiến của một bạn Việt kiều Mỹ thảo luận tại blog của Thiếu Long Texas:
Trí Nguyễn writes: Vn tự do chán bên mỹ mượn xe không gì thì thôi đụng hay gì cảnh sát check giấy tờ bảo hiểm thấy không có tên đăng ký mất quyền lái xe như chơi. 1 gia đình mỗi người 1 chiếc mạnh ai nấy đi. Ba má muốn cho con chạy được xe mình thì phải làm thủ tục đăng ký tên nó vô. Mượn xe bậy bên đây giống như uống rượu lái xe vậy không có chuyện thì thôi có chuyện là tiêu tùng. Vừa chạy vừa lo đừng gặp cớm.

Rồi, quay lại mục tiêu chính: mổ xẻ cái quy định đang làm thiên hạ nhức nhối dưới đây:
Điểm e, mục 8.3 Điều 1 Nghị định 71/2012/NĐ-CP quy định:
 3. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy; các loại xe tương tự mô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:
e) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định;

Dư luận xã hội tập trung ngay vào dòng chữ "Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;" trên phần mở đầu của Nghị định này mà ném đá ông Thăng liền. Họ cho rằng đây là luật mới của ông Thăng (vốn có nhiều "ân oán" với dư luận), nhằm "tận thu" cho "cái ngân sách trống rỗng" và để "xây cái trụ sở nghìn tỷ cho bộ GTVT",...
Chuyện thật hư của cái gọi là "ngân sách trống rỗng" và "trụ sở nghìn tỷ" thì tớ cóc có ý kiến vì không có chứng cớ rõ ràng nào cả nhưng chuyện đúng sai của cái điều trên kia của Nghị định 71 thì mọi người đều có thể tự làm rõ vì nó dựa vào cơ sở pháp luật.

Vậy có phải đây là "luật mới của ông Thăng"? Đơn giản, cứ mở nghị định 71 ra mà coi:

NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 34/2010/NĐ-CP NGÀY 02 THÁNG 4 NĂM 2010 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ,
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cụ thể như sau:8. Sửa đổi, bổ sung Điều 33 như sau:
“Điều 33. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ
3. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy; các loại xe tương tự mô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:
e) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định;

Như vậy, điều trên đây của nghị định 71 chỉ là sửa đổi lại điều 33 của nghị định 34/2010/NĐ-CP. Hãy xem điều 33 này có quy định gì về việc "Chính chủ" không.
 Điều 33: Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:
a) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định;

Như vậy, quy định về xử phạt cho lỗi "Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định" đã được làm rõ trong nghị định 34/2010/NĐ-CP, ngày 02/04/2010, thời điểm đương chức của ông Hồ Nghĩa Dũng. Do đó, có lẽ nào gọi đây là "luật của ông Dũng (Hồ)" dù nó không còn MỚI ? Nghị định 71 chỉ điều chỉnh tăng nặng mức phạt cho lỗi này (và một số lỗi khác) nhằm mục đích xyz gì đó (chống thất thu thuế, tăng cường quản lý xe phục vụ mục đích an ninh, an toàn trật tự giao thông,...).

Thật buồn cười là đọc các lều báo còn thấy phát biểu của một số ông đại biểu Quốc hội (trong ủy ban Pháp luật, Tư pháp,...) đại khái là "chủ trương đúng nhưng thời hạn gấp, chưa có lộ trình thích hợp,...". Hơn 2 năm trời mà còn gấp à ? Điều này làm tớ nhớ đến vụ quy định bằng FC của đám lái xe đầu kéo, phải gia hạn nhiều lần trong vòng 2 năm "bởi vì rằng là,..." nhưng cứ gần đến hạn thì tất cả đều "ngỡ ngàng phản đối", cứ như quy định mới vừa được đẻ ra ngày hôm qua.

Lại xét về việc nghị định này có "đúng luật" hay không (he...he... thật lạ là mình lại phải đi xét xem mấy đồng chí chính phủ này có chơi theo luật không?!) thì Nghị định cũng đã ghi rõ : "Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;" và "Căn cứ Luật giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;" (chứ không chỉ "Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;" nhé!).
Vậy thì luật GTĐB 2008 nói gì?
 Điều 53. Điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới
3. Xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Điều 54. Cấp, thu hồi đăng ký và biển số xe cơ giới
2. Bộ trưởng Bộ Công an quy định và tổ chức cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định và tổ chức cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng.

Như vậy, ô tô, xe máy (xe cơ giới) chỉ được phép lưu hành khi "đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp" (ở đây là bộ Công An).Thế mấy ông công an, được sự ủy quyền của Luật GTĐB, đã nói gì? Mấy ông ấy đã đưa ra Thông tư 36/2010/TT-BCA (Quy định về đăng ký xe), trong đó có điều khoản như sau:
 Điều 6. Trách nhiệm của chủ xe
3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua bán, cho, tặng, thừa kế xe, người mua hoặc bán xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe.

Tóm cái váy lại là: Quy định về việc quản lý phương tiện (bao gồm việc mua mới, sang tên, gắn biển số,..) là do ông Quốc Hội (Luật GTĐB) đưa ra, ông Bộ Công An thêm mắm muối vào cho nó chi tiết đậm đà, ông GTVT phối hợp với ông chính phủ để ra cái giá đặng bán cho bà con (nghị định 34/2010, 71/2012).
Các bạn có thể hình dung sơ lược như hình vẽ dưới đây:

Phù... vậy là tạm xong cái vụ "luật mới của ông Thăng". Giờ chuyển qua cái vụ "đi xe chính chủ" mà các lều báo tung ra cho dư luận ném đá mấy ngày nay.
Rõ ràng là nghị định chẳng nói gì về việc phạt những người đi xe không phải của mình (mượn bạn bè, xe chung của nhà,...) mà chỉ hướng đến những xe lưu thông mà "Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định". Các lều báo, (dẫn đến) dư luận gọi cái cụm từ trong ngoặc kép kia là "xe chính chủ". Chính điều này dẫn tới mọi người (kể cả 1 số quan chức, ông nghị, bà nghị, CSGT,...) hiểu lầm rằng phải đi cái xe mà chính mình đứng tên (chính chủ!). Diễn giải luật mà theo kiểu đơn giản hóa thế này thì đúng là bó tay!

Chốt lại là: bạn đi xe ai thì mặc xác bạn, miễn đó không phải xe không nguồn gốc rõ ràng. Đi xe nhà, xe mượn thì phải có cà vẹt xe (hoặc cái gì tương tự). Nếu nghi ngờ người lái xe sử dụng xe không sang tên, chuyển quyền sở hữu, CSGT phải đi điều tra hỏi người đứng tên đăng ký xe là anh bán hay anh cho lái xe mượn xe. Nếu có bằng chứng về việc đã mua bán, mà không sang tên, chuyển quyền sở hữu thì mới được phép xử phạt theo điểm e, mục 8.3 Điều 1, NĐ 71 được.

Mặt khác, theo Nghị định 71 và Nghị định 34, thì người điều khiển xe chỉ bị xử phạt khi không mang giấy tờ như sau:
 Điều 24: Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới
2. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
b) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (nếu có quy định phải kiểm định);

Rõ ràng, chẳng có nói gì về việc người điều khiển phương tiện phải mang theo giấy tờ xe có mang tên mình!

Như vậy, nếu bạn có đi xe của ông bà cô bác cậu dì,... mà cầm giấy tờ đầy đủ thì cứ "no4go". Bạn "bồ câu" nào mà không tin rằng đó là xe hợp pháp thì xin mời chứng minh. Bạn chưa tự tin nữa thì cứ in bài viết này ra, cho vào ví, khi nào đụng chuyện thì mở ra xem mà đối đáp với mấy anh í ... ke... ke...
Còn nếu bạn vẫn chưa yên tâm thì xin mời tiếp tục vọc đống tư liệu luật, nghị định dưới đây nhé. Thượng lộ bình an!!!
 1 - Luật giao thông đường bộ
2 - Thông tư 36/2010/TT-BCA
3- Nghị định 34/2010/NĐ-CP
4 - Nghị định 71/2012/NĐ-CP

Trích cuanhcuem.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét