2 tháng 5, 2013

Thử bàn về tính hợp lý và bất hợp lý trong vụ bắt Bác sỹ Nguyễn Đan Quế


Sau khi gửi đi “Lời kêu gọi xuống đường” đến hàng chục địa chỉ email trong và ngoài nước, ngay lập tức BS Nguyễn Đan Quế bị lực lượng công an đến nhà khám xét, thu giữ tài liệu, tạm giữ BS Quế để điều tra, sau đó thả về, chủ động đưa tin công khai trên báo quốc nội… đó là một chuỗi các sự kiện liên quan đến BS Quế mà dư luận rất quan tâm trong thời gian gần đây. Nhìn lại chuỗi sự kiện, ta có thể nhận thấy một thực tế không thể phủ nhận là:


Thứ nhất, BS Nguyễn Đan Quế đích danh đứng tên soạn thảo và phổ biến “lời kêu gọi xuống đường”.
Thứ hai, Công an Việt Nam đã đến khám xét, thu giữ “lời kêu gọi” và một số tài liệu liên quan khác (trên 6000 tài liệu), yêu cầu BS Nguyễn Đan Quế ký xác nhận và đã được BS Quế ký xác nhận do BS Quế soạn ra và phổ biến.

Thứ ba, Công an Việt Nam đã đưa BS Quế về trụ sở công an Quận 5 để thẩm vấn, sau đó cho về, hiện nay không tiếp tục làm việc.
Từ những vấn đề đã được minh định trên, chúng ta thử phân tích các yếu tố liên quan để thấy tính hợp lý hay không hợp lý xung quanh sự kiện:

- Trước hết là việc chính danh soạn thảo “lời kêu gọi xuống đường”: Lời kêu gọi được phổ biến sau khi cuộc “cách mạng hoa nhài” diễn ra, tạo nên một làn sóng lan toả ra các khu vực lân cận, nhất là các nước Bắc Phi và Trung Đông, hiệu ứng lan toả này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình chính trị ở các nước có thể chế chính trị độc quyền chuyên chế, trở thành mối quan tâm hàng đầu của dự luận thế giới. Trong bối cảnh đó, “lời kêu gọi xuống đường” của BS Nguyễn Đan Quế ra đời và được phát đi rộng khắp, đây là một logic biện chứng.

Trong nước, hàng loạt các báo quốc nội cũng đưa tin về diễn biến ở Ai Cập, Tunisia, Libya…ngay cả các báo uy tín, có lượng độc giả lớn như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Sài Gòn tiếp thị và kể cả báo của lực lượng công an, quân đội Việt Nam như báo An ninh Thế giới, Công an nhân dân hay Quân đội nhân dân… cũng đưa tin rầm rộ, độc giả có cảm tưởng báo chí trong nước thời điểm này như “ngựa bất kham”, cũng không ngớt lời ca ngợi nhân dân, giới trẻ Ai Cập, Tunisia,… không những thế, nhiều báo còn đi sâu bình luận về phương thức thể hiện của cuộc “cách mạng hoa nhài”, đề cập nhiều đến mạng xã hội và sức lan toả thông tin qua mạng xã hội theo kiểu “bày đường cho hươu chạy”. Là một người có nhãn quan chính trị, hẳn các nhà lãnh đạo Ban Tư tưởng văn hoá Trung ương, các Ban, Ngành liên quan phải nhanh chóng “huýt còi” chứ, trái lại còn để cho các báo thoải mái đưa tin khiến không ít người ở hải ngoại phải ngạc nhiên trước sự thay đổi đường đột của báo chí trong nước. Tại sao lại có sự thay đổi đường đột này, có lẽ đây là một sự bất hợp lý.

Các tổ chức đối kháng trong nước được nhiều người biết đến như Khối 8406, Hội ái hữu tù nhân chính trị và tôn giáo VN, Đảng dân chủ việt nam, Câu lạc bộ nhà báo… tỏ ra thận trọng phản ứng trước sự kiện “cách mạng hoa nhài”, tổ chức Khối 8406 còn rất chậm chạp, ngay cả sau khi BS Quế phát đi “lời kêu gọi xuống đường”, các cá nhân, tổ chức khác bên ngoài lên tiếng kêu gọi, hưởng ứng thì Khối 8406 mới ra một văn bản mang nặng tính hưởng ứng hơn là một lời phát động. Tại sao một tổ chức thể hiện tính đối kháng quyết liệt như Khối 8406, là một tổ chức có đông lực lượng, có hẳn một Ban điều hành… lại phản ứng chậm hơn một cá nhân – đó là BS Nguyễn Đan Quế? Đây có lẽ là sự bất hợp lý thứ 2.

Nói riêng về “lời kêu gọi xuống đường” của BS Nguyễn Đan Quế, đọc văn bản này chúng ta nhận ra ngay tính mộc mạc của nó đó là đưa ra những đòi hỏi thiết thực, không hoa mỹ, trừu tượng khó hiểu… nhưng cũng thể hiện sự quyết liệt phát động, nhất là những câu cuối như: “Hãy xuống đường để cứu nước/ muốn cứu nước phải xuống đường…”

Một cá nhân đau đáu với vận mệnh đất nước, trước bối cảnh được cảm nhận là thuận lợi, liền xướng xuất, phát động nhân dân xuống đường là một sự hợp lý, các bậc chí tôn, anh hùng dân tộc trước đây của Việt Nam cũng từng như thế, nhìn thấy cảnh lầm than của nhân dân, nhìn thấy viễn cảnh tối tăm của đất nước mà quyết tâm đứng ra phát động, thức tỉnh nhân dân nổi dậy…nhưng cái bất hợp lý trong cái hợp lý này là ở chỗ BS Nguyễn Đan Quế tỏ ra “đơn thương độc mã”, chúng ta biết bên cạnh BS Quế là tổ chức “Cao trào nhân bản”, nhưng BS Quế không lấy danh nghĩa này để phát động. Nếu lấy danh một tổ chức sẽ tạo niềm tin cho người dân hơn khi họ biết sau hành động xuống đường (thành công hay thất bại) họ có được một tổ chức chở che, lèo lái họ. Nếu chỉ đơn phương một cá nhân thì kết cục về đâu khi BS Quế bị bắt? hay trong trường hợp thành công đi nữa thì một mình BS Quế cũng không thể điều hành cả cái đất nước này được, như thế cảnh tranh giành ảnh hưởng, nồi da xáo thít ắt phải diễn ra…và hậu quả thì người dân phải gành chịu đầu tiên.

Cũng có ý kiến cho rằng BS Quế không lấy danh tổ chức để tránh bị đàn áp, ý kiến này không hợp lý ở chỗ: BS Quế đã 03 lần ở tù CS, thường xuyên bị quản chế; khi công an đến nhà khám xét, thu giữ tài liệu vẫn rất bình tĩnh, ký nhận trên tài liệu và nhận trách nhiệm về việc thảo ra, phổ biến tài liệu đó… cho thấy BS Quế không hề sợ bị đàn áp, bắt bớ, nên lý do tránh tạo cớ để công an đàn áp không thể nằm trong chủ ý của BS Quế, đây là sự hợp lý. Vậy điều bất hợp lý ở đây là gì? Có lẽ là ở sự bình thản trên gương mặt của BS Quế trước tình huống bị khám xét, bị bắt bớ…

- Vấn đề thứ hai: Công an Việt Nam đã đến khám xét, thu giữ “lời kêu gọi” và trên 6000 tài liệu liên quan khác, yêu cầu BS Nguyễn Đan Quế ký xác nhận và đã được BS Quế ký xác nhận đã tự soạn ra và phổ biến.

Ở Việt Nam, một cá nhân, tổ chức phát đi lời kêu gọi biểu tình thì việc công an đến khám xét, thu giữ phương tiện, tài liệu là lẽ bình thường (hợp lý). Vấn đề ở đây là lý do gì mà BS Quế không che dấu tài liệu, dễ dàng để công an thu, sau đó ký nhận, thừa nhận trách nhiệm về việc thảo ra và phổ biến tài liệu “Lời kêu gọi”. Trong một phát biểu gần đây của anh Đỗ Nam Hải, cho rằng BS Quế “thiếu kinh nghiệm đối phó” với công an CS nên mới dễ dàng ký nhận và đến trụ sở công an để làm việc theo yêu cầu. Nhận xét này xem ra chưa thuyết phục vì ít ai không biết BS Quế đã 03 lần vào tù CS, trong 03 lần đó thì có đến hàng trăm lần phải “làm việc” với công an, không lẽ với kinh nghiệm và tuổi tác như thế lại không nhận ra, không tự đúc rút cho mình kinh nghiệm? Theo trình tự diễn biến vụ việc, nhất là biểu hiện thái độ của BS Quế cho thấy nhiều khả năng BS Quế đã chủ động để tình huống diễn ra, khi sự việc diễn ra đúng như tiên liệu, thái độ của BS Quế đã không hốt hoảng, lo lắng, ngược lại rất bình tĩnh. Cũng có ý kiến cho rằng bản tính BS Quế là người dám làm, dám chịu, không đổ thừa trách nhiệm cho ai và không muốn phiền luỵ cho người khác. Vì cho rằng việc làm đó là chính đáng, hợp quy luật nên không hề run sợ. Có người còn nêu khả năng với tính khẳng khái, khi bị bắt quả tang BS Quế đã thẳng thắn nhận trách nhiệm, từ sự vô tư nhận trách nhiệm đó đã gián tiếp trở thành điều kiện ràng buộc, “trói chân” BS Quế , công an đã dùng cái đó để buộc BS Quế tuân thủ các điều kiện của họ. Chúng ta hết thảy đều biết BS Quế là một người rất có nhân cách, từ việc bao dung nuôi dưỡng, bảo bọc mẹ con ca sỹ Tâm Vấn, “ôm” một gia đình người khác làm gia đình mình, tấm lòng cao thượng của BS Quế hơn ai hết là những người con của bà Tâm Vấn kiểm nghiệm, họ đã quý trọng BS Quế như cha ruột của mình. Nhân cách của BS Quế còn thể hiện ở sự thẳng thắn, không lươn lẹo, không xô bồ, a dua theo người khác mà làm làm việc rất độc lập và tự chịu trách nhiệm. Chính bản tính này, có thể đã là yếu điểm để CS gài bẫy “thú tội” như đã dùng với Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung (đều là những người có nhân cách).

- Cuối cùng là lý do tại sao công an không tiếp tục truy cứu BS Quế? Theo suy nghĩ thiển cận của chúng tôi, các tài liệu chứng cứ đã được báo chí quốc nội đưa tin, chính BS Nguyễn Đan Quế cũng đã xác nhận và nhận trách nhiệm… so với các vụ án khác thì chừng đó đã đủ để nhà cầm quyền Hà Nội một lần nữa “nhập kho” đối với BS Quế. Nhưng tại sao BS Quế vẫn được tại ngoại?

Nhiều ý kiến nhận định cho rằng chính quyền Hà Nội lo sợ áp lực quốc tế (nhất là Hoa Kỳ) nếu bắt giam BS Quế, họ phân tích: BS Quế được Hoa Kỳ quan tâm; BS Quế nổi tiếng là người có đường lối đấu tranh ôn hoà, bất bạo động; BS Quế có người anh là Nguyễn Quốc Quân đang sống ở Hoa Kỳ, có mối quan hệ thân thiết với nhiều quan chức Mỹ… vì thế, bất cứ động thái nào liên quan đến BS Quế đều được quan tâm, lên tiếng phản đối. Nhận xét này có lý.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể không so sánh để thấy được điều tưởng chừng hợp lý ấy vẫn chưa thực sự tròn trịa cho lắm, chẳng hạn:

So với linh mục Tađêo Nguyễn Văn Lý, BS Quế là người có nhân cách hơn, có thể có uy tín hơn, nhưng BS Quế cũng thể hiện đơn độc hơn. Bắt linh mục Lý, nhà cầm quyền CS phải đối diện với không chỉ Hoa Kỳ về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo mà phải đối diện với toà thánh Vatican và đồng bào công giáo trên toàn thế giới. Thế nhưng, chính quyền CS vẫn bắt, vẫn xử. Gần đây, quan chức ngoại giao Hoa Kỳ đến thăm linh mục Lý, bị chính quyền Thừa Thiên Huế từ chối mà vẫn quyết tâm đến, liền bị “tẩn” cho một trận, nhưng Hoa Kỳ lên tiếng tới đâu, dư luận gây sức ép tới đâu?...có lẽ chỉ trên mạng và một vài báo đài lẻ tẻ.

So với luật sư Cù Huy Hà Vũ, xuất thân từ con dòng, cháu giống. Bản thân luật sư Vũ là người có trình độ, bản lĩnh, dám đương đầu (không run sợ). Bắt luật sư Vũ, chính quyền CS phải đối diện với dư luận lên án rất gay gắt như phản bội lại đồng đội (vì LS Vũ là con của nhà thơ Cù Huy Cận, từng là lãnh đạo cấp cao của chính quyền CS); ngăn chặn quyền tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến; đối phó với cảnh nội bộ mất đoàn kết (phản đối của những người ủng hộ gia đình họ Cù)… ấy vậy mà vẫn bắt, phớt lờ dư luận, các tổ chức thế giới cũng “lắng nghe, theo dõi” mà không có phản ứng gì đáng kể.

Hay tương tự với trường hợp ông Vi Đức Hồi, án 8 năm tù là một thực tế mà dư luận lên án cũng chỉ như tiếng rao bán hàng khuya trên đường phố cổ Hội An.

Có lẽ sẽ còn nhiều vẫn đề còn đặt ra mà đáp án sẽ làm cho không ít người phải sửng sốt ngỡ ngàng. Câu chuyện chính trị là chuỗi dài các sự kiện đầy uẩn khúc. Thú vị cho người quan sát nhưng thật chua xót cho những người đem lòng kỳ vọng!



Trần Minh Thảo

Thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét